Phân biệt giấy mời và giấy triệu tập

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Posted by Nguyễn Thế Truyền on Tháng Tư 29, 2020

Trên thực tế hiện nay vẫn còn có việc các cơ quan Nhà nước thường sử dụng lẫn lộn giữa giấy mời và giấy triệu tập. Điều này làm cho những người nhận được giấy triệu tập thường có tâm lý lo ngại, hoang mang. Hãy đọc bài viết sau để hiểu hơn về 2 loại giấy tờ này!

Tuy nhiên, về mặt bản chất thì giấy mời và giấy triệu tập là hai loại giấy hoàn toàn khác nhau:

1. Giấy mời
Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.
Theo cách hiểu phổ biến thì giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan công an, tòa án hay nói chung là các cơ quan tiến hành tố tụng mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc.
Do đó, đối với giấy mời, người được mời có quyền lựa chọn giữa đến và không đến. Vì là quyền nên việc không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nếu có điều kiện và thời gian, người nhận được giấy mời nên đến làm việc với đơn vị đã gửi giấy mời để biết rõ được mình có liên quan như thế nào đến vụ việc/vụ án.
Trong trường hợp, không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời có thể làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi lên cơ quan phát hành giấy mời để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

2. Giấy triệu tập
Giấy triệu tập được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (2015), khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ bắt buộc. Giấy triệu tập là loại giấy dành cho những người có liên quan đến những vụ việc đã và đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng như cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án, gồm:

  • Bị can: phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát (theo khoản 3 Điều 49).
  • Bị cáo: phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án (theo khoản 3 Điều 50).
  • Người bị hại: là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án (theo khoản 4 Điều 51).
    Nguyên đơn dân sự: là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
  • Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại (theo khoản 3 Điều 52).
  • Bị đơn dân sự: là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Bị đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại (theo khoản 3 Điều 53).
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình (theo khoản 2 Điều 54).
  • Người làm chứng: người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án (theo khoản 4 Điều 55).