Giải đáp 30 vướng mắc trong giải quyết phá sản

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Posted by Nguyễn Thế Truyền on Tháng Hai 19, 2021

Category: Thông tin doanh nghiệp

Tòa án nhân dân tối cao có Công văn 199/TANDTC-PC ngày 18/12/2020 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết phá sản.
Theo đó, TANDTC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, đơn cử như:

Chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, người lao động, đại diện công đoàn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì có phải gửi kèm Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã hay không?

Người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo khoản 1, khoản 2 Điều 5 Luật Phá sản chỉ phải nộp:

Kèm theo đơn phải có chứng cứ chứng minh khoản nợ đến hạn” đối với chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần (khoản 2 Điều 26 Luật Phá sản).

“Kèm theo đơn phải có chứng cứ để chứng minh lương và các khoản nợ khác đến hạn” đối với người lao động, đại diện công đoàn (khoản 2 Điều 27 Luật Phá sản).

Do vậy, họ không bắt buộc phải gửi kèm Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trường hợp Tòa án đã thụ lý giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp nhưng trong quá trình giải quyết phá sản, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp vắng mặt (không có mặt tại địa phương) do doanh nghiệp đã dừng hoạt động từ lâu, chủ nợ cũng không biết họ ở đâu thì giải quyết như thế nào?

Khoản 2 Điều 16 Luật Phá sản quy định: Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 65 Luật Phá sản quy định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản sẽ chỉ định một người làm đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện công việc kiểm kê và xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Như vậy, trong quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã mà người đại diện theo pháp luật vắng mặt thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã đó hoặc chỉ định một người làm đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện công việc kiểm kê và xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trường hợp địa phương không có Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoặc Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản từ chối, địa phương không còn Quản tài viên nào khác thì Thẩm phán có được liên hệ với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản ở địa phương khác không?

Luật Phá sản chỉ quy định Thẩm phán có quyền chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản mà không giới hạn phạm vi hoạt động của hai chủ thể này. Do đó, Thẩm phán có quyền chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản ở địa phương khác.

Người nộp đơn được quyền đề nghị Thẩm phán chỉ định bao nhiều Quản tài viên? Sau khi Thẩm phán đã ban hành quyết định chỉ định Quản tài viên, Quản tài viên này lại tiếp tục đề xuất Thẩm phán chỉ định thêm Quản tài viên có được không?

Khoản 3 Điều 26 Luật Phá sản quy định: “3. Trường hợp có đề xuất chi định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ghi rõ tên, địa chỉ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản”.

Như vậy, Luật Phá sản không quy định cụ thể số lượng Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được chỉ định để tham gia giải quyết vụ việc phá sản. Vì vậy, căn cứ vào quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, tính chất phức tạp của vụ việc phá sản, người nộp đơn, Quản tài viên có quyền đề xuất Thẩm phán chỉ định thêm Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Công văn 199 tại đây