Nghĩa vụ về tài sản khi có quyết định mở thủ tục phá sản?

Posted by Luật Phá Sản on Tháng Hai 24, 2023

Khi mở thủ tục phá sản có những nghĩa vụ về tài sản khá phức tạp mà các bạn cần phải lưu ý, bao gồm:

NGHĨA VỤ VỀ TÀI SẢN KHI CÓ QUYẾT ĐỊNH MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN

NGHĨA VỤ VỀ TÀI SẢN KHI CÓ QUYẾT ĐỊNH MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN

I. Xác định giá trị nghĩa vụ về tài sản

– Nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp xác lập trước khi Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản được xác định vào thời điểm ra quyết định mở thủ tục phá sản.

– Nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã xác lập sau khi Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản được xác định vào thời điểm ra quyết định tuyên bố phá sản.

– Trường hợp nghĩa vụ về tài sản không phải là tiền thì Tòa án nhân dân xác định giá trị nghĩa vụ về tài sản đó bằng tiền.

II. Xác định tiền lãi đối với khoản nợ

– Kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, các khoản nợ được tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận nhưng được tạm dừng việc trả lãi.

– Trong 02 trường hợp sau thì việc tạm dừng trả lãi chấm dứt, các bên tiếp tục thực hiện việc trả lãi theo thỏa thuận:

+ Thẩm phán ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản;

+ Đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh khi “ doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi kinh doanh”;

– Đối với khoản nợ mới phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản đến thời điểm tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì tiền lãi của khoản nợ đó được xác định theo thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật.

– Kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì khoản nợ không được tiếp tục tính lãi.

III. Xử lý khoản nợ có bảo đảm

– Sau khi mở thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ, Thẩm phán xem xét và xử lý cụ thể như sau:

+ Trường hợp tài sản bảo đảm được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì việc xử lý đối với tài sản bảo đảm theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ;

+ Trường hợp không thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm không cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì xử lý theo thời hạn quy định trong hợp đồng đối với hợp đồng có bảo đảm đã đến hạn;

Đối với hợp đồng có bảo đảm chưa đến hạn thì trước khi tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân đình chỉ hợp đồng và xử lý các khoản nợ có bảo đảm.

– Việc xử lý khoản nợ có bảo đảm được quy định như sau:

  1. a) Đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó;
  2. b) Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

– Trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề nghị Thẩm phán cho xử lý ngay tài sản bảo đảm đó.

IV. Nghĩa vụ về tài sản trong trường hợp nghĩa vụ liên đới hoặc bảo lãnh

– Trường hợp nhiều doanh nghiệp liên đới về một khoản nợ mà một hoặc tất cả các doanh nghiệp đó mất khả năng thanh toán, thì chủ nợ có quyền đòi bất cứ doanh nghiệp nào trong số các doanh nghiệp đó thực hiện việc trả nợ cho mình theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp người bảo lãnh mất khả năng thanh toán thì việc bảo lãnh được giải quyết như sau:

+ Nếu nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trường hợp bên bảo lãnh không thanh toán đầy đủ trong phạm vi bảo lãnh, thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thanh toán phần còn thiếu;

+ Nếu nghĩa vụ bảo lãnh chưa phát sinh thì bên được bảo lãnh phải thay thế biện pháp bảo đảm khác, trừ trường hợp người được bảo lãnh và người nhận bảo lãnh có thỏa thuận khác.

– Trường hợp người được bảo lãnh hoặc cả người bảo lãnh và người được bảo lãnh đều mất khả năng thanh toán, thì người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm thay cho người được bảo lãnh theo quy định của pháp luật.

V. Trả lại tài sản thuê hoặc mượn khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố phá sản, chủ sở hữu tài sản cho doanh nghiệp, hợp tác xã thuê hoặc mượn để dùng vào hoạt động kinh doanh phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, hợp đồng cho thuê hoặc cho mượn với cơ quan thi hành án dân sự để nhận lại tài sản của mình.

– Trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã trả trước tiền thuê nhưng chưa hết thời hạn thuê, thì người cho thuê chỉ được nhận lại tài sản sau khi đã thanh toán số tiền thuê tương ứng với thời gian thuê còn lại để cơ quan thi hành án dân sự nhập vào khối tài sản của doanh nghiệp đó.

– Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã chuyển nhượng tài sản thuê hoặc mượn cho người khác mà không đòi lại được, thì người cho thuê hoặc cho mượn có quyền yêu cầu bồi thường đối với tài sản đó như khoản nợ không có bảo đảm.

VI. Trả lại tài sản nhận bảo đảm

Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán chỉ trả lại tài sản nhận bảo đảm cho cá nhân, tổ chức đã giao tài sản cho doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp, hợp tác xã trước khi Tòa án nhân dân mở thủ tục phá sản trong trường hợp cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện nghĩa vụ đối với doanh nghiệp.

VII. Nhận lại hàng hóa đã bán

Người bán đã gửi hàng hóa cho người mua là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nhưng chưa được thanh toán và người mua cũng chưa nhận được hàng hóa thì người bán được nhận lại hàng hóa đó. Nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đã nhận hàng hóa đó và không thể trả lại được thì người bán trở thành chủ nợ không có bảo đảm.

Trên đây là bài viết của Luatphasan.vn về “Nghĩa vụ về tài sản khi có quyết định mở thủ tục phá sản?”.

Nếu các bạn muốn tìm Quản tài viên hoặc tư vấn thêm về phá sản doanh nghiệp thì hãy liên hệ với chúng tôi.

Trân trọng cảm ơn./

Hotline: 0903217988

Liên quan: #tuyenbophasan, #kienthucphasan, #Quantaivien, #Luatthienthanh