Bản chất của thủ tục phá sản là đòi nợ tập thể?

Posted by Luật Phá Sản on Tháng Ba 3, 2023

Thủ tục phá sản là một thủ tục đòi nợ tập thể

Trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã xuất hiện các hình thức mua chậm, trả dần hoặc vay mượn với những cam kết sẽ hoàn trả theo thời gian.

Các khoản vay mượn này có thể được đảm bảo hoặc không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp mắc nợ. Những rủi ro trong kinh doanh có thể đưa đến doanh nghiệp không thanh toán được các khoản nợ. Trong tình huống này, đối với các khoản nợ có bảo đảm thì chủ nợ có quyền yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

 

Thủ tục phá sản là một thủ tục đòi nợ tập thể

Ảnh minh họa – Nguồn: internet

Trường hợp khoản nợ không có bảo đảm, chủ nợ có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tòa án, cơ quan thi hành án) ban hành các quyết định cưỡng chế bán tài sản của doanh nghiệp để thu hồi nợ. Đây chính là cách đòi nợ thông thường và được tiến hành một cách trực tiếp giữa chủ nợ và doanh nghiệp mắc nợ.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp mắc nợ có nhiều chủ nợ và tài sản còn lại của doanh nghiệp mắc nợ không đủ thanh toán cho tất cả các chủ nợ này thì việc đòi nợ một cách trực tiếp theo cách thức vừa nêu trở nên kém hiệu quả. Sự kém hiệu quả này thể hiện ở hai khía cạnh.

Thứ nhất, việc tranh đua đòi nợ giữa các chủ nợ có thể dẫn đến phá hủy tài sản của doanh nghiệp, làm giảm sút giá trị tài sản của doanh nghiệp mắc nợ và từ đó ảnh hưởng xấu đến khả năng thu hồi nợ của các chủ nợ.

Thứ hai, nếu không có thủ tục phá sản thì các chủ nợ chỉ có thể đòi nợ theo cách riêng lẻ giữa các chủ nợ với con nợ. Việc đòi nợ riêng lẻ (có thể tự mình đòi nợ trực tiếp hoặc đòi nợ thông qua các vụ việc kiện tại tòa án) làm phát sinh chi phí đòi nợ cao (ví dụ các loại chi phí như theo dõi việc đòi nợ của các chủ nợ khác với con nợ, chi phí cho việc giám sát thận trọng về tình trạng tài chính của người đi vay và khả năng thanh toán, chi phí cạnh tranh với các chủ nợ khác để cố gắng có được các thông tin cần thiết phục vụ cho việc đòi nợ thành công…).

Các chi phí này có thể được giảm thiểu bởi việc có luật về phá sản như là một sự thỏa thuận thống nhất từ trước về việc đòi nợ tập thể.

Như vậy, dưới áp lực của việc hiệu quả kinh tế, luật phá sản hình thành như là một phương thức để các chủ nợ có thể đòi nợ theo một trật tự với chi phí xã hội thấp nhất, hiệu quả nhất. Với mục tiêu tối đa hóa giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp mắc nợ và thanh toán tài sản công bằng giữa các chủ nợ, luật phá sản được hình thành nhằm mục đích giúp cho các chủ nợ đòi nợ từ doanh nghiệp mắc nợ, thông qua vai trò của một thiết chế nhà nước có thẩm quyền (có thể là tòa án hoặc một cơ quan nhà nước đặc biệt) để đòi nợ tập thể. Chính vì vậy, thủ tục phá sản có bản chất là một thủ tục đòi nợ đặc biệt.

Thủ tục phá sản là một thủ tục giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán

 

Ảnh minh họa – Nguồn: internet

Ban đầu, luật phá sản đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu đòi nợ của các chủ nợ với chi phí thấp nhất. Vì vậy thủ tục phá sản theo luật phá sản được xem như là một thủ tục đòi nợ đặc biệt.

Tương ứng với nó, xét ở khía cạnh các chủ nợ thì đây cũng là cách thanh toán nợ đặc biệt. Tuy nhiên, trong quá tìm kiếm giải pháp tối đa hóa giá trị tài sản phá sản và tối ưu hóa khả năng thu hồi nợ cho các chủ nợ, các cuộc đàm phán giữa chủ nợ và các con nợ đã diễn ra.

Trong quá trình đó, vấn đề tối đa hóa giá trị kinh tế của các tài sản phá sản đã được đặt ra như là một trong những mục tiêu chính.

Tuy vậy, việc định giá các tài sản phá sản trong bối cảnh của vụ việc phá sản đang diễn ra có thể thấp hơn so với giá trị thực do các tâm lý e ngại việc thu mua tài sản phá sản (ví dụ: xem việc mua tài sản phá sản là xui xẻo).

Việc thanh lý hàng loạt các tài sản phá sản cùng lúc dẫn đến giá bán thấp hơn so với giá mà những người mua thông thường có nhu cầu mua đưa ra. Điều này có thể là do “không có hoặc có rất ít người mua tiềm năng bên ngoài với thông tin kịp thời và chính xác về tình trạng thực sự của vấn đề và triển vọng tương lai của doanh nghiệp hoặc khi quá trình tìm kiếm và phát triển người mua bên ngoài, bản thân nó sẽ rất tốn kém”.

Trong những trường hợp như vậy, tổ chức lại doanh nghiệp thay vì thanh lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là cần thiết để giúp các chủ nợ thu được giá trị cao nhất từ các tài sản phá sản. Đối với các chủ nợ, mở thủ tục phá sản vẫn giữ nguyên giá trị là một thủ tục đòi nợ đặc biệt. Chỉ có điều để đòi được nợ, người ta không nhất thiết phải thanh lý tài sản của doanh nghiệp mắc nợ, mà trong rất nhiều trường hợp, việc tái phục hồi doanh nghiệp mắc nợ mà thành công sẽ đạt được hiệu quả đòi nợ tối ưu hơn cho các chủ nợ. Chính vì thế, luật phá sản, đứng ở góc độ của doanh nghiệp mắc nợ đã phát triển theo hướng là luật về giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán cho doanh nghiệp mắc nợ.

Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, vai trò của doanh nghiệp đối với nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh đặc biệt, sự chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp này gây ra những hậu quả lớn cho xã hội.

Luật phá sản hiện đại hướng có xu thế vượt trội là hướng đến việc tái tổ chức các doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán hơn là tuyên bố phá sản. Việc tuyên bố phá sản đối với các doanh nghiệp chỉ đặt ra khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thuộc vào trường hợp không thể thực hiện phục hồi hoặc đã tiến hành thủ tục phục hồi nhưng không thành công. Vì lý do này mà ngày nay, ở một số nước, luật phá sản đã được đổi tên gọi thành Luật về giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán.

Thực trạng của việc Luật phá sản hiện đang thực thi kém tại Việt Nam, có thể nói cũng một phần do nhận thức chưa chính xác về Luật phá sản. Trong một cuộc khảo sát nhanh của chúng tôi nhận thức về phá sản được thực hiện đối với 300 sinh viên năm thứ nhất thuộc khóa 41 của Trường Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 77% sinh viên được khảo sát cho rằng doanh nghiệp phá sản là doanh nghiệp có tài sản không đủ để trả nợ và đến 96% sinh viên cho rằng thủ tục phá sản là thủ tục kết thúc một doanh nghiệp.

Điều này cho thấy nhận thức của người dân nói chung không coi phá sản là một sự “hủy diệt có tính sáng tạo” mà đồng nghĩa phá sản với chấm dứt hoạt động của một doanh nghiệp. Pháp luật phá sản là thủ tục giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán với những sự ưu tiên phục hồi doanh nghiệp đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật của Việt Nam – vẫn là điều khá xa lạ đối với người dân.

Nếu các bạn muốn tìm Quản tài viên hoặc tư vấn thêm về phá sản doanh nghiệp thì hãy liên hệ với chúng tôi.

Trân trọng cảm ơn./

Hotline: 0903217988

Liên quan: #thamquyentoaan, #kienthucphasan, #Quantaivien, #Luatthienthanh.