Quản tài viên và những thông tin liên quan.

Posted by Luật Phá Sản on Tháng Ba 9, 2023

Quản tài viên là chế định mới được đưa vào Luật phá sản năm 2014 nhưng thực ra không còn mới mẻ theo pháp luật phá sản của nhiều nước trên thế giới.

Quản tài viên là người đóng vai trò trung gian quản lý và giám sát tài sản của Doanh nghiệp, Hợp tác xã mất khả năng thanh toán từ thời điểm tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản cho đến khi tòa án tuyên bố một Doanh nghiệp hay một Hợp tác xã phá sản.

Quản tài viên

                                                      Ảnh minh họa – Nguồn: internet

Nhìn chung, trong pháp luật phá sản của các nước thì thiết chế này thường được gọi là nhân viên quản lý tài sản (trustee) hay người tiếp nhận tài sản của Doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán (receiver).

Đa số các nước có nền kinh tế phát triển như Đức, Úc, Pháp, Nhật Bản… đều yêu cầu phải có một nhân viên do tòa án chỉ định để thực hiện chức năng quản lý tài sản của con nợ lâm vào tình trạng phá sản và giao cho nhân viên này thẩm quyền khá rộng rãi trong việc giải quyết phá sản.

Tại Latvia, sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, tòa án sẽ tiến hành bổ nhiệm ngay một người làm quản tài viên để tiến hành nghiên cứu hồ sơ, điều tra tình hình tài chính của con nợ và báo cáo với tòa án các vấn đề quản lý tài sản của con nợ.

Lý do xây dựng thiết chế quản tài viên

Khi lâm vào trạng thái khó kiểm soát và mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn với nguy cơ phá sản, các Doanh nghiệp, Hợp tác xã liên quan thường có tâm lý chung là tiêu xài “xả láng” những tài sản còn lại của Doanh nghiệp, Hợp tác xã vì có thể rồi “đằng nào thì cũng bị tuyên phá sản”.

Họ cũng có tâm lý cho rằng các tài sản đó kiểu gì thì cũng bị kiểm kê, bán thanh lý để trả cho các chủ nợ, nên nhiều Doanh nghiệp, Hợp tác xã nhìn chung không còn quan tâm đến tài sản nữa.

Bên cạnh đó, nhiều chủ Doanh nghiệp, Hợp tác xã cố tình cất giấu, tẩu tán tài sản với hi vọng có thể trốn tránh được trách nhiệm sử dụng các tài sản đó để bù đắp cho các khoản nợ của mình, từ đó có thể trục lợi một cách bất chính. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu các Doanh nghiệp, Hợp tác xã bị mất khả năng thanh toán được quyền quản lý tài sản mà không có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì nhiều khả năng không thể bảo toàn được khối tài sản của các Doanh nghiệp, Hợp tác xã đó và như vậy hậu quả tất yếu sẽ làm các chủ nợ bị thiệt hại về lợi ích vật chất.

Tại Việt Nam, theo Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993, việc kiểm tra, giám sát, quản lý và thanh lý tài sản của Doanh nghiệp, Hợp tác xã mất khả năng thanh toán được giao cho hai tổ chuyên môn là: tổ quản lý tài sản do tòa án thành lập và tổ thanh lý tài sản do cơ quan thi hành án thành lập.

Trong một thời gian dài, hoạt động của hai tổ quản lý và tổ thanh lý tài sản theo Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 triển khai thiếu tính đồng bộ, thiếu tính hiệu quả, không phát huy hết thế mạnh cua mình do cơ cấu cồng kềnh, cơ chế ra quyết định khá phức tạp, không phù hợp với thực tiễn thi hành và áp dụng luật phá sản.

Khắc phục điểm yếu đó, Luật phá sản năm 2004 đã gộp hai tổ quản lý và thanh lý tài sản làm một gọi chung là tổ quản lý và thanh lý tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật phá sản năm 2004 cho thấy hoạt động của tổ quản lý, thanh lý tài sản vẫn không hiệu quả do có nhiều người tham gia quá trình xử lý công việc, làm cho quy trình thêm phức tạp và gây chậm trễ trong việc tiến hành giải quyết thủ tục phá sản.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết phá sản Doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tiếp thu tiến bộ của pháp luật phá sản hiện đại trên thế giới, trong Luật phá sản năm 2014 một thiết chế mới đã được ra đời, đó là thiết chế quản tài viên.

Theo giải thích mà Luật phá sản 2014 đưa ra thì “Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của Doanh nghiệp, Hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản”.

Như vậy, nếu như trước đây pháp luật phá sản của Việt Nam trao quyền quản lý tài sản của Doanh nghiệp, Hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản cho một tập thể (tổ quản lý, thanh lý tài sản) thì với luật mới năm 2014, việc quản lý này được trao cho một cá nhân là Quản tài viên.

Nói tóm lại, việc giao trách nhiệm quản lý tài sản của Doanh nghiệp, Hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản cho Quản tài viên là vì các lý do sau:

Thứ nhất, cơ chế phối hợp giữa các thành viên trong tổ quản lý, thanh lý tài sản theo Luật phá sản năm 2004, như đã đề cập ở trên, là rất khó khăn, vướng mắc, do tính chất kiêm nhiệm của chấp hành viên Cơ quan Thi hành án dân sự (là Tổ trưởng) và các thành viên trong tổ cũng đều là kiêm nhiệm, thành phần tổ phức tạp; do đó, không đáp ứng được yêu cầu về tính nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý tài sản Doanh nghiệp, Hợp tác xã bị phá sản;

Thứ hai, nếu giao cho Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện quản lý, thanh lý tài sản thì không thực hiện chủ trương xã hội hoá những hoạt động mang tính nghề nghiệp, không phù hợp với đặc thù giải quyết tuyên bố phá sản, không phù hợp với pháp luật quốc tế, không phù hợp quan điểm của Đảng và nhà nước ta về cải cách hành chính;

Thứ ba, tham khảo kinh nghiệm pháp luật một số nước trên thế giới thì có 5 nước gồm: Nhật Bản, Đức, Nga, Pháp, Mỹ và theo khuyến nghị số 8 và 9 của UNCITRAL (Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế) có quy định về chế định Quản tài viên. Cụ thể, Quản tài viên là người được tòa án chỉ định để quản lý tài sản của Doanh nghiệp, Hợp tác xã bị yêu cầu phá sản.

Điều kiện hành nghề Quản tài viên

Quản tài viên là nghề nghiệp yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề do công việc của quản tài viên đòi hỏi chuyên môn cao. Theo quy định tại của pháp luật chỉ những người sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên:

  • Luật sư;
  • Kiểm toán viên;
  • Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.

Ngoài việc phải có chứng chỉ hành nghề, quản tài viên phải đáp ứng được các điều kiện nhất định để được phép hành nghề:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;
  • Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.

Như vậy, không phải ai cũng có thể trở thành Quản tài viên mà chỉ những người đáp ứng đủ hai điều kiện là:

(1) Có chứng chỉ hành nghề;

(2) Đủ các điều kiện hành nghề theo luật định thì mới có thể được tòa án chỉ định và tiến hành những công việc của quản tài viên. Quy định về điều kiện hành nghề quản tài viên của Luật phá sản 2014 nhìn chung dựa trên các tiêu chí và khuyến nghị của UNCITRAL (Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế) với việc tham khảo từ mô hình Quản tài viên ở một số quốc gia có luật phá sản hiện đại và phát triển.

Quyền, nghĩa vụ của Quản tài viên

Theo quy định của pháp luật thì quyền và nghĩa vụ của quản tài viên bao gồm:

– Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ mất khả năng thanh toán, gồm:

  • Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của Doanh nghiệp, Hợp tác xã;
  • Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ;
  • Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của Doanh nghiệp, Hơp tác xã khi bán, thanh lý tài sản;
  • Giám sát hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp, Hợp tác xã theo quy định của pháp luật;
  • Được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật;
  • Đề xuất với thẩm phán về việc bán tài sản của Doanh nghiệp, Hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản;
  • Bán tài sản theo quyết định của thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản;
  • Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản;
  • Gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do TAND, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng.

– Đại diện cho Doanh nghiệp, Hợp tác xã trong trường hợp Doanh nghiệp, Hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật.

– Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của Doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp, Hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

– Đề nghị thẩm phán tiến hành các công việc sau:

  • Thu thập tài liệu, chứng cứ;
  • Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của Doanh nghiệp, Hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp;
  • Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

– Được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

– Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự; chịu trách nhiệm trước thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Trên đây là bài viết của Luatphasan.vn về “Quản tài viên và những thông tin liên quan”.

Nếu các bạn muốn tìm Quản tài viên hoặc tư vấn thêm về phá sản doanh nghiệp thì hãy liên hệ với chúng tôi.

Trân trọng cảm ơn./

Hotline: 0903217988

Liên quan: #giaodichvohieu, #kienthucphasan, #Luatthienthanh.