Tìm hiểu về loại hình công ty đối vốn

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Posted by Nguyễn Thế Truyền on Tháng Tư 29, 2020

Dưới góc độ pháp lý, có thể chia công ty thành 2 loại cơ bản là công ty đối nhân và công ty đối vốn. Qua bài viết sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu về công ty đối vốn.

Căn cứ
– Luật doanh nghiệp 2014

Nội dung

1. Công ty đối vốn là gì?
Định nghĩa cơ bản về công ty đối vốn được hiểu như sau:

Công ty đối vốn là những công ty mà không quan tâm đến nhân thân người góp vốn mà chỉ quan tâm đến phần vốn góp.

Từ định nghĩa chúng ta có thể hiểu công ty đối vốn có những đặc điểm sau:

  • Có sự tách bạch giữa tài sản của công ty và tài sản của cá nhân;
  • Công ty đối vốn có tư cách pháp nhân, các thành viên trong công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn đã góp vào công ty;
  • Thành viên công ty thường rất đông, những người không hiểu biết về kinh doanh cũng có thể tham gia vào công ty;
  • Công ty phải đóng thuế cho nhà nước, các thành viên phải đóng thuế thu nhập.
  • Công ty đối vốn thường chi làm 2 loại là công ty cổ phần và công ty TNHH:
  • Công ty cổ phần:
  • Công ty cổ phần là một hình thức công ty hoàn thiện cả về mặt vốn và tổ chức. Công ty cổ phần có kết cấu chặt chẽ nhằm bảo vệ cao nhất quyền lợi các cổ đông, tạo các điều kiện tốt nhất cho việc quản lý công ty dân chủ, có hiệu quả.
  • Đặc trưng quan trọng nhất của công ty cổ phần có tính chất quyết định để phân biệt với công ty TNHH đó là cổ phần. Cổ phần là phần vốn điều lệ của công ty, mỗi cổ phần thể hiện một giá trị thực tế tính bằng tiền. Cổ phần chứng minh tư cách thành viên của cổ đông và được thể hiện dưới hình thức cổ phiếu. Cổ phiếu là một loại chứng khoán được lưu thông, chuyển nhượng tự do trên thị trường. Thông thường có 2 loại cổ phần là cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn:
  • Công ty TNHH là loại hình trung gian giữa công ty đối nhân và công ty đối vốn, nó vừa có tính đối nhân, vừa có tính đối vốn. Các thành viên quen biết nhau, việc thành lập, quản lý công ty đơn giản hơn công ty cổ phần do đó dễ nhầm lẫn với công ty đối nhân. Vốn điều lệ của công ty được chia thành từng phần, mỗi thành viên có thể góp nhiều, ít khác nhau và buộc phải góp đủ khi công ty thành lập, công ty bảo toàn vốn ban đầu. Nguyên tắc này thể hiện rõ trong quá trình góp vốn, sử dụng vốn và phân chia lợi nhuận.

2. Ưu và nhược điểm của công ty đối vốn

Công ty cổ phần
Ưu điểm:

  • Chế độ trách nhiệm của Công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn;
  • Khả năng hoạt động của Công ty cổ phần rất rộng, trong hầu hết các lịch vực, ngành nghề;
  • Cơ cấu vốn của Công ty cổ phần hết sức linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty;
  • Khả năng huy động vốn của Công ty cổ phần rất cao thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, đây là đặc điểm riêng có của công ty cổ phần;
  • Việc chuyển nhượng vốn trong Công ty cổ phần là tương đối dễ dàng

Nhược điểm:

  • Việc quản lý và điều hành Công ty cổ phần rất phức tạp;
  • Việc thành lập và quản lý Công ty cổ phần cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn:

Công ty TNHH 1 thành viên

Ưu điểm:

  • Chủ sở hữu công ty có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty;
  • Chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty.

Nhược điểm:

  • Việc huy động vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn bị hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu;
  • Huy động vốn khó hơn.

Công ty TNHH 2 thành viên

Ưu điểm:

  • Chỉ trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho người góp vốn;
  • Việc quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp;
  • Hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.

Nhược điểm:

  • Việc huy động vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn bị hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu và bị giới hạn đến 50 thành viên.