Tổng quan ngắn gọn nhất về quy trình Phá sản Doanh nghiệp. Hệ quả của người giữ chức vụ quản lý sau khi Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản là gì?

Posted by Luật Phá Sản on Tháng Ba 24, 2023

phá sản

Ảnh minh họa – Nguồn: internet

Phá sản doanh nghiệp là điều không ai mong muốn, bởi khi “đứa con tinh thần” của mình bị sụp đổ thì mọi gánh nặng đều đặt lên vai người của người “Cha”. Nhưng doanh nghiệp hay bất cứ thứ gì trên đời đều phải tuân theo một quy luật dù bạn có muốn hay không, đó là quy luật: Thành – Trụ – Hoại – Không. Quy luật này cũng tương tự như quy luật: Sinh – Lão – Bệnh – Tử của con người vậy.

Phá sản luôn là một hiện tượng tất yếu trong nền kinh tế thị trường, nó hiện hữu như là một sản phẩm của quá trình cạnh tranh, chọn lọc và đào thải tự nhiên của nền kinh tế thị trường.

Vì vậy Luật phá sản đã ra đời để giải quyết những vấn đề “nan giải” của Doanh nghiệp. Chúng tôi đã tóm gọn đơn giản nhất quy trình phá sản để quý vị có thể nắm bắt được một cách dễ dàng nhất.

Xin mời đọc bài viết dưới đây của Luatphasan.vn:

Thứ nhất: Cùng tìm hiểu về định nghĩa của phá sản là gì?

Theo Luật phá sản 2014: Phá sản là “tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”

(Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán)

– Theo từ điển Black Law của nhà xuất bản West Group: Phá sản“một thủ tục pháp lý, bắt nguồn từ tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ, qua đó con nợ được giải phóng khỏi các khoản nợ và phải trải qua một quá trình tổ chức lại có giám sát tư pháp hoặc thanh lý [tài sản DN] vì lợi ích của các chủ nợ.”

Qua trên có thể hiểu đơn giản như sau: Phá sản là tình trạng Doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, thua lỗ, mất khả năng thanh toán và bị Tòa án có thẩm quyền tuyên bố phá sản.

 Doanh nghiệp được giải phóng khỏi các khoản nợ bằng cách thanh lý toàn bộ tài sản còn lại của Doanh nghiệp để trả nợ. (trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh)

Thứ hai, Những ai có quyền và nghĩa vụ nộp đơn mở thủ tục phá sản:

– Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần;

– Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở;

– Người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp, Hợp tác xã;

– Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh;

– Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán;

– Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng (trong trường hợp Điều lệ công ty quy định);

– Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã.

* Chúng tôi đã liệt kê nội dung cần phải có trong đơn mở thủ tục phá sản của mỗi chủ thể khác nhau trong links sau: https://luatphasan.vn/resource/nop-don-yeu-cau-mo-thu-tuc-pha-san/

Lưu ý: Những ai có nghĩa vụ mà không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

(Nếu cần Quản tài viên các bạn hãy liên hệ với chúng tôi để vụ việc phá sản được thực hiện một cách chuyên nghiệp nhất)

Thứ ba, thẩm quyền giải quyết của Tòa án và quy trình xử lý đơn:

TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản đối với các Doanh nghiệp, Hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Chỉ một số trường hợp đặc biệt thì TAND cấp tỉnh mới có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh tại tỉnh đó, bao gồm:

  • Các vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
  • Doanh nghiệp, Hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau,
  • Doanh nghiệp, Hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
  • Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện mà TAND cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.

Quy trình xử lý đơn của Tòa án:

( Trong trường hợp thấy rằng đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đầy đủ các nội dung luật định, thẩm phán sẽ thông báo cho người nộp đơn để yêu cầu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp quy định của pháp luật. Thời hạn sửa đổi bổ sung đơn sẽ do tòa án quyết định nhưng không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày người nộp đơn nhận được thông báo của tòa án, trường hợp đặc biệt có thể được gia hạn nhưng không quá 15 ngày.)

Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thẩm phán có quyền ra quyết định không mở thủ tục phá sản nếu thấy Doanh nghiệp, Hợp tác xã không mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn;

– Nếu có đầy đủ căn cứ để chứng minh rằng Doanh nghiệp, Hợp tác xã đã mất khả năng thanh toán, thì thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

(Trường hợp mở thủ tục sẽ tiếp tục những quy trình dưới đây)

Thứ tư: Kiểm kê tài sản, lập danh sách chủ nợ, người mắc nợ:

Kiểm kê tài sản của Doanh nghiệp, Hợp tác xã (Công việc của Doanh nghiệp, Hợp tác xã)

Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải tiến hành kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản đó; trong trường hợp cần thiết thì phải có văn bản đề nghị Thẩm phán gia hạn, nhưng không quá hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

– Lập danh sách chủ nợ và danh sách người mắc nợ (Công việc của Quản tài viên)

+ Sau khi nhận được thông báo mở thủ tục phá sản, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ đến Quản tài viên và dựa vào đấy Quản tài viên lập nên Danh sách chủ nợ. Danh sách chủ nợ này sau đó được niêm yết tại Tòa án, trụ sở chính Doanh nghiệp, và gửi cho tất cả các chủ nợ.

+ Quy trình lập danh sách người mắc nợ cũng tương tự lập danh sách chủ nợ.

Thứ năm, Triệu tập Hội nghị chủ nợ:

–  Hội nghị chủ nợ được hiểu là cuộc họp của các chủ nợ do Thẩm phán triệu tập và chủ trì để thảo luận và đưa ra một trong các kết luận sau:

+ Đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản (Khi Doanh nghiệp, Hợp tác xã không còn mất khả năng thanh toán);

+ Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

* HỆ QUẢ CỦA NGƯỜI QUẢN LÝ SAU KHI DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ BỊ TUYÊN BỐ PHÁ SẢN:

  1. Doanh nghiệp có vốn nhà nước:

– Người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản.

– Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước.

  1. Doanh nghiệp không có vốn nhà nước:

– Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm những quy định sau thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản:

+ Không thực hiện yêu cầu của Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về phá sản;

+ Không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

+ Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản;

+ Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm;

+ Từ bỏ quyền đòi nợ;

+ Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Lưu ý: Quy định tại mục (1), (2) không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản với lý do bất khả kháng.

Trên đây là bài viết của Luatphasan.vn về “Tổng quan ngắn gọn nhất về quy trình Phá sản Doanh nghiệp”“Hệ quả của người giữ chức vụ quản lý sau khi Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản”

Nếu các bạn muốn tìm Quản tài viên hoặc tư vấn thêm về phá sản Doanh nghiệp thì hãy liên hệ với chúng tôi.

Trân trọng cảm ơn./

Hotline: 0903217988

Liên quan: #Quantaivien, #Kienthuc, #Luatthienthanh