Việc gửi giấy đòi nợ khi giải quyết phá sản được quy định như thế nào?

Posted by Luật Phá Sản on Tháng Hai 16, 2023

Việc gửi giấy đòi nợ khi giải quyết phá sản được quy định như thế nào?

Giấy đòi nợ liên quan gì đến việc lập danh sách chủ nợ của Quản tài viên?

(Ảnh minh họa)

Khi mở thủ tục phá sản, việc quan trọng và cần thiết nhất các chủ nợ cần phải làm là gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên để bảo đảm cho quyền và lợi ích của mình. Vậy quy trình và nội dung gửi giấy đòi nợ như thế nào? Hãy cùng Luatphasan.vn tìm hiểu nhé:

* Việc gửi giấy đòi nợ khi giải quyết phá sản được quy định như thế nào?

– Khi có quyết định mở thủ tục phá sản, Quản tài viên và Tòa án sẽ có thông báo đến các chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán về việc gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;

– Thời hạn gửi giấy đòi nợ: Trong 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản;

– Nếu hết thời hạn mà chủ nợ không gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì sẽ được coi là từ bỏ quyền đòi nợ của mình.

– Giấy đòi nợ phải có các nội dung sau:

  • Tên, địa chỉ, quốc tịch, căn cước của chủ nợ hoặc đại diện chủ nợ;
  • Tổng số nợ phải trả, bao gồm khoản nợ, số nợ đến hạn và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán; số nợ chưa đến hạn; số nợ có bảo đảm và phương thức bảo đảm; số nợ không có bảo đảm mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải trả; khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có).

– Kèm theo giấy đòi nợ là tài liệu, chứng cứ chứng minh về khoản nợ đó. Giấy đòi nợ phải do chủ nợ hoặc người đại diện hợp pháp của chủ nợ ký tên.

– Trường hợp bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan không tính vào thời hạn.

* Giấy đòi nợ liên quan gì đến việc lập danh sách chủ nợ của Quản tài viên?

Thứ nhất, Quản tài viên thường căn cứ vào số liệu trong thư đòi nợ của chủ nợ để đối chiếu với khoản nợ trong hồ sơ doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cung cấp xem có trùng khớp với nhau không;

Có một số trường hợp hồ sơ doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cung cấp số liệu khác với số liệu trong thư đòi nợ của chủ nợ yêu cầu thanh toán, nếu gặp trường hợp này thì Quản tài viên phải có nhiệm vụ xác thực và làm việc để hai bên thống nhất một số liệu cụ thể với nhau.

Thứ hai, Quản tài viên căn cứ vào những thông tin như họ tên, địa chỉ, quốc tịch, số căn cước… trong thư đòi nợ để lập danh sách chủ nợ theo quy định của pháp luật.

– Quy trình lập danh sách chủ nợ của Quản tài viên như sau:

  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn gửi giấy đòi nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải lập danh sách chủ nợ, thu thập tài liệu liên quan đến khoản nợ và niêm yết công khai danh sách chủ nợ.
  • Danh sách chủ nợ phải ghi rõ tên, địa chỉ, quốc tịch, căn cước của chủ nợ hoặc đại diện chủ nợ, số nợ của mỗi chủ nợ, trong đó phân định rõ khoản nợ có bảo đảm, nợ không có bảo đảm, nợ đến hạn, nợ chưa đến hạn.
  • Danh sách chủ nợ phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án nhân dân tiến hành thủ tục phá sản, trụ sở chính của doanh nghiệp, hợp tác xã và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và phải gửi cho chủ nợ đã gửi giấy đòi nợ trong 10 ngày làm việc kể từ ngày niêm yết.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn niêm yết, chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền đề nghị Thẩm phán xem xét lại danh sách chủ nợ.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xem xét lại, Thẩm phán phải xem xét, giải quyết đề nghị, nếu thấy đề nghị có căn cứ thì sửa đổi, bổ sung vào danh sách chủ nợ.

Chúng tôi đã giải đáp xong thắc mắc “Việc gửi giấy đòi nợ khi giải quyết phá sản được quy định như thế nào?” theo pháp luật Việt Nam. Nếu bạn cần hỗ trợ gì thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé.

Trân trọng cảm ơn./

Hotline: 0903217988

Từ khóa: #giaydoino; #phasan; #Quantaivien; #Luatthienthanh