Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật phá sản

Posted by Luật Phá Sản on Tháng Hai 23, 2023

Khi giải quyết thủ tục phá sản, có khá nhiều chủ thể có những quyền và nghĩa vụ, chức năng riêng. Trong bài viết này Luatphasan.vn sẽ tổng hợp và nêu rõ quyền, nghĩa vụ của từng chủ thể trong khi giải quyết thủ tục phá sản:

Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật phá sản

Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật phá sản

Thứ nhất, Quản tài viên.

* Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

Có các quyền, nghĩa vụ sau:

– Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, gồm:

  • Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp;
  • Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ;
  • Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản;
  • Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
  • Được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật;
  • Đề xuất với Thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản;
  • Bán tài sản theo quyết định của Thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản;
  • Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật này; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản;
  • Gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng.

– Đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật.

– Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

– Đề nghị Thẩm phán tiến hành các công việc sau:

  • Thu thập tài liệu, chứng cứ;
  • Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp;
  • Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

– Được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

– Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự; chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Thứ hai, Cơ quan thi hành án dân sự.

Có các quyền, nghĩa vụ sau:

– Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, quyết định tuyên bố phá sản và các quyết định khác theo quy định của pháp luật;

– Yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện việc định giá, thanh lý tài sản;

– Thực hiện việc thanh lý tài sản trong trường hợp “Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên”;

– Giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo việc thanh lý tài sản;

– Đề xuất Tòa án nhân dân thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản nếu Quản tài viên vi phạm nghĩa vụ hoặc vì lý do khách quan không thực hiện được nhiệm vụ;

– Phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định của Tòa án nhân dân;

– Quyết định kết thúc việc thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Thứ ba, Người tham gia thủ tục phá sản.

Người tham gia thủ tục phá sản gồm:

– Chủ nợ;

– Người lao động;

– Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán;

– Cổ đông, nhóm cổ đông;

– Người mắc nợ của doanh nghiệp;

– Những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết phá sản.

 Có các quyền, nghĩa vụ sau:

– Thực hiện yêu cầu của Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về phá sản;

– Cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết phá sản;

– Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình để giao nộp cho Tòa án nhân dân;

– Đề nghị Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ mà tự mình không thể thực hiện được hoặc trưng cầu giám định, định giá, thẩm định giá tài sản; đề nghị Thẩm phán quyết định kiểm toán doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; đề nghị Thẩm phán triệu tập người làm chứng;

– Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do người tham gia thủ tục phá sản khác xuất trình hoặc do Thẩm phán thu thập;

– Đề nghị áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời;

– Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;

– Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

– Tham gia Hội nghị chủ nợ;

– Đề nghị thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong trường hợp Quản tài viên vi phạm nghĩa vụ hoặc vì lý do khách quan không thực hiện được nhiệm vụ;

– Đề nghị Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bổ sung chủ nợ, người mắc nợ vào danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ;

– Đề xuất với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về việc thu hồi các khoản tiền, tài sản của người mắc nợ;

– Phải có mặt theo yêu cầu của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, giấy triệu tập của Tòa án nhân dân và chấp hành các quyết định của Tòa án nhân dân trong quá trình giải quyết phá sản;

– Tham gia vào việc quản lý, thanh lý tài sản theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;

– Đề nghị xem xét lại quyết định của Tòa án nhân dân theo quy định của Luật Phá sản;

– Trường hợp cá nhân tham gia thủ tục phá sản chết thì người thừa kế hợp pháp của họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định tại mục này.

Thứ tư, Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Có các quyền, nghĩa vụ sau:

– Bao gồm quyền, nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản theo mục trên;

– Được đưa ra ý kiến về việc chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

– Phải thông báo công khai về quyết định mở thủ tục phá sản ngay sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản.

Thứ năm, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Có các quyền, nghĩa vụ sau:

– Đề xuất với Tòa án nhân dân tên Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trước khi mở thủ tục phá sản.

– Nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

– Việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải trung thực.

Trên đây là bài viết của chúng tôi về “Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật phá sản” theo pháp luật Việt Nam. Nếu bạn cần hỗ trợ gì thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé.

Trân trọng cảm ơn./

Hotline: 0903217988

Liên quan: #giaydoino#phasan#Quantaivien; #Luatthienthanh