MỘT SỐ LƯU Ý KHI PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

Posted by Luật Phá Sản on Tháng Sáu 17, 2024

Category: Luật Phá sản

Trước sức ép về tài chính, nền kinh tế thị trường không ổn định, nhiều doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng khủng hoảng và không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh dẫn đến phá sản. Vậy Phá sản doanh nghiệp cần lưu ý những gì?

Bài viết dưới đây sẽ làm rõ một số lưu ý đối với phá sản doanh nghiệp!

  1. Phá sản là gì?

Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp; hợp tác xã mất khả năng thanh toán; và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

  1. Điều kiện để công nhận doanh nghiệp phá sản?

Để được công nhận là phá sản; doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời cả 02 điều kiện sau:

– Mất khả năng thanh toán;

– Bị Tòa án nhân dân tuyên bố phá sản.

Trong đó; doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán bao gồm 02 trường hợp:

Trường hợp 1: Không có tài sản để thanh toán các khoản nợ;

Trường hợp 2: Có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.

  1. Ai có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản

– Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần.

– Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

– Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

– Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán

  1. Trình tự, thủ tục nộp đơn yêu cầu phá sản

Trình tự, thủ tục phá sản được thực hiện theo những bước sau:

– Nộp đơn và nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

– Thương lượng rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

– Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do thương lượng không thành.

– Quyết định mở thủ tục phá sản khi có căn cứ để mở.

– Tổ chức Hội nghị chủ nợ.

– Toà án tuyên bố công ty phá sản.

– Thi hành quyết định tuyên bố phá sản của Toà án.

  1. Các hoạt động của doanh nghiệp sau khi mở thủ tục phá sản

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản: doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Hoạt động của doanh nghiệp bị cấm sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản:

– Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản.

– Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã.

– Từ bỏ quyền đòi nợ.

– Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trên đây là một số lưu ý liên quan đến phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện nay.

NHỮNG LƯU Ý TRONG THỦ TỤC PHÁ SẢN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Thủ tục phá sản doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có thể phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết về cả quy định pháp lý trong nước và quốc tế. Một số lưu ý trong thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài.

1. Người tham gia thủ tục phá sản là người nước ngoài

Theo quy định tại điều 116, Luật Phá sản 2014 thì: Người tham gia thủ tục phá sản là người nước ngoài phải thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản của Việt Nam

2. Ủy thác tư pháp của Tòa án nhân dân Việt Nam đối với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài

Trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản có yếu tố nước ngoài, Tòa án nhân dân thực hiện ủy thác tư pháp theo hiệp định tương trợ tư pháp mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

– Thủ tục ủy thác tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, pháp luật về tương trợ tư pháp.

Theo đó, ủy thác tư pháp là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông qua ủy thác tư pháp.

Căn cứ tại điều 117, Luật Phá sản 2014 và điều 6, Luật tương trợ Tư pháp năm 2007

3. Thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài

Căn cứ theo Điều 118 Luật phá sản năm 2014 quy định việc công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài được thực hiện theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định khác của pháp luật về tương trợ tư pháp.

Theo đó, tại Điều 15 Luật Tương trọ Tư pháp năm 2007 quy định thủ tục tiếp nhận và xử lý ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài như sau:

– Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu, Bộ Tư pháp vào sổ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Bộ Tư pháp trả lại cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu và nêu rõ lý do.

– Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, Bộ Tư pháp chuyển văn bản đó cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước yêu cầu là thành viên hoặc thông qua kênh ngoại giao.

– Trường hợp ủy thác tư pháp không thực hiện được hoặc quá thời hạn mà nước ngoài yêu cầu hoặc cần bổ sung thông tin, tài liệu liên quan, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và nêu rõ lý do để Bộ Tư pháp thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu.

4. Thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản gồm những gì?

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành, phân công Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản.

– Sau khi nhận được quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Mở một tài khoản tại ngân hàng đứng tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản để gửi các khoản tiền thu hồi được của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;

+ Giám sát Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện thanh lý tài sản;

+ Thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản trong vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

+ Sau khi nhận được báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về kết quả thanh lý tài sản, Chấp hành viên thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản (Căn cứ điều 120, Luật Phá sản 2014).

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

Hà Nội : Phòng 302, tầng 3, 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội

Hồ Chí Minh: Phòng 6.16 RiverGate Residence, số 151 – 155 đường Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP. HCM

Facebook: https://www.facebook.com/luatphasan

Hotline: 0903 217 988

Email: [email protected]

Đăng ký tư vấn dịch vụ
Không, xin cảm ơn
Hỗ trợ bởi chuyên gia là luật sư